Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”

anhlap 25/10/2017

THÔNG TIN

Sáng ngày 24/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030. Tham dự và chủ trì hội nghị có các ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN và PTNT; Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Ngô Tất Thắng – PCVP Điều phối Nông thôn mới Trung ương và đại diện Lãnh đạo các địa phương, Sở, ban ngành liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, chủ trương xây dựng đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một quyết sách kịp thời, đúng lúc đáp ứng nhu cầu về phát triển làng nghề, sản phẩm đặc sản của nhiều địa phương trong trong cả nước, trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là cơ hội để sản phẩm địa phương và làng nghề địa phương phát triển trong một Chương trình mang tầm quốc gia, nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, bảo tồn phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Đề án vì vậy có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Đề án “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” đang được xây dựng theo hướng: mỗi xã, tùy theo điều kiện của mình, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương để phát triển. Việc quảng bá rộng rãi các sản phẩm đã được lựa chọn sẽ làm tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Kết quả khảo sát đánh giá toàn quốc do Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) thực hiện, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về thực trạng các sản phẩm của các địa phương với 4.823 sản phẩm có tiềm năng để tổ chức sản xuất trong Chương trình OCOP.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý xây dựng Đề án Chương trình OCOP. Đồng thời, trên cơ sở dự thảo Đề án gửi các bộ, ngàng, địa phương, đến nay đã có 51 đơn vị gồm: 09 Bộ, ngành Trung ương; 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã gửi văn bản góp ý nội dung dự thảo Đề án.

(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Chia sẻ bài viết NGAY!

  • Quảng cáo

  • Bài viết mới

  • Top