Khởi đầu chặng đường phát triển mới của đất nước
THÔNG TIN
Trước thềm Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diễn ra vào chiều nay (15/1) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những thành tựu kinh tế – xã hội quan trọng trong năm 2017 sẽ tạo đà để đất nước bước vào chặng đường phát triển mới, nhanh hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn và đặc biệt là không ai bị bỏ lại phía sau.
Thưa Bộ trưởng, Việt Nam vừa có một năm thành công trong phát triển kinh tế– xã hội. Là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, chứng kiến những thành công của nền kinh tế, cảm xúc của ông như thế nào?
Tất nhiên là hào hứng, phấn khởi và tràn đầy hy vọng vào tương lai phát triển nhanh, bền vững, đúng hướng và có chất lượng của nền kinh tế. Nhưng để có được cảm xúc đó hôm nay, tôi và có lẽ là tất cả chúng ta đã đều trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong suốt 12 tháng của năm 2107.
Đầu tiên là lo lắng. Lo vì kinh tế – xã hội những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, kết quả đạt thấp, nếu cứ tiếp diễn sẽ đặt nền kinh tế trước nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 – 2020.
Sau đó là căng thẳng, bởi áp lực đến từ nhiều phía. Đó là phải làm sao tìm ra được hướng đi và giải pháp đúng đắn để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Khi tăng trưởng GDP quý I đạt thấp, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm đạt được mục tiêu 6,7%.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bám sát diễn biến thực tế, phân tích, đánh giá và dự báo, đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, thậm chí chi tiết đến từng ngành, lĩnh vực, sản phẩm cụ thể để chỉ đạo điều hành, với những nhiệm vụ, giải pháp hết sức cụ thể, rõ ràng. Có kịch bản rồi, thì hồi hộp theo dõi kết quả kinh tế – xã hội của từng tháng, từng quý. Hồi hộp theo dõi cả từng cơn bão, trận lũ, xem ảnh hưởng thế nào đến sản xuất và cuộc sống người dân, đến những thành quả phát triển kinh tế – xã hội mà chúng ta rất khó khăn mới đạt được.
Và cuối cùng, là vui mừng, phấn khởi khi kết quả đạt được đã vượt qua mọi kỳ vọng và dự báo, chiến thắng mọi hoài nghi, quan ngại về khả năng điều hành của Chính phủ, về khả năng bứt phá của nền kinh tế. Còn bây giờ, như tôi đã nói ở trên, là những hy vọng về một giai đoạn tăng tốc mới của nền kinh tế Việt Nam.
Khi nói về những thành công của kinh tế – xã hội Việt Nam 2017, dư luận vẫn thường nhắc tới việc lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó tăng trưởng GDP đã đạt tới 6,81%. Còn với Bộ trưởng, đâu là những thành tựu quan trọng nhất của Việt Nam trong năm qua?
Năm 2017 có thể coi là một trong những năm đặc biệt nhất trong chặng đường Đổi mới và phát triển của đất nước, khi mà nhiều kỷ lục đã được xác lập, như tăng trưởng GDP đạt 6,81% – cao nhất trong 10 năm trở lại đây, xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 400 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 36 tỷ USD, thành lập mới doanh nghiệp cũng đạt kỷ lục, gần 127.000 doanh nghiệp…
Việt Nam đã trải qua một năm thành công vượt bậc trong phát triển kinh tế – xã hội, với niềm vui và niềm tin, với sự lạc quan đang lan tỏa khắp nơi.
Như vậy, có thể nói, năm 2017 là một năm thành công của cả nền kinh tế. Chúng ta đã đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Còn nói về thành tựu, thành tựu nổi bật nhất là cả 13/13 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, tạo đà thuận lợi để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch năm 2018, Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và Chiến lược 10 năm 2011 – 2020.
Thành tựu có ý nghĩa thiết thực nhất là tầm vóc, vị thế và uy tín của đất nước được nâng lên một tầm cao mới; cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam, cũng như vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và trong thực hiện các cam kết quốc tế. Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, có thể tham gia những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.
Và thành tựu quan trọng nhất trong năm qua, theo tôi, đó là niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố mạnh mẽ; kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường.
Từ nền tảng này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, năm 2017 là năm khởi đầu của một chặng đường phát triển mới của đất nước, nhanh hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn và đặc biệt là không ai bị bỏ lại phía sau.
Một năm thành công vượt bậc, với niềm vui và niềm tin, với sự lạc quan đang lan tỏa khắp nơi. Đâu là nguyên nhân của thành công đó, thưa Bộ trưởng?
Đầu tiên là phải nhắc tới vai trò lãnh đạo của Đảng. Năm qua, Ban Chấp hành Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển kinh tế tư nhân; về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; về tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Tiếp đó, là sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, và nhất là sự năng động, nhiệt huyết của người đứng đầu Chính phủ, quyết tâm không lùi bước trước những khó khăn, thách thức.
Đồng hành với quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự phối hợp, ủng hộ và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cả hệ thống đã vào cuộc; các bộ, ngành, địa phương ra sức nỗ lực, cố gắng thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp đã đề ra.
Nếu không có sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của toàn xã hội, chúng ta khó có thể vượt qua được các khó khăn, thách thức của năm 2017.
Với riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thưa Bộ trưởng, cũng thời điểm này năm ngoái, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng đã nhắc nhiều đến việc phải giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo. Năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thắp sáng ngọn lửa đổi mới thế nào?
Có thể khẳng định, năm qua chúng tôi đã giữ vững được ngọn cờ cải cách, thổi bùng lên ngọn lửa đổi mới và bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, đã phát huy được vai trò tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội cho Đảng và Chính phủ.
Chúng tôi đã nỗ lực xây dựng, theo dõi, giám sát 3 kịch bản tăng trưởng, cũng như xây dựng Nghị quyết 01 và các báo cáo kinh tế hàng tháng, hàng quý… Điều này đã góp phần quan trọng để nền kinh tế đạt và vượt cả 13/13 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2017.
Không dừng lại ở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tiên phong đổi mới, đi đầu trong công tác tham mưu thể chế, chính sách, góp phần hiện thực hóa tư tưởng đổi mới của Đảng, Chính phủ.
Chẳng hạn, tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, các Nghị quyết 19/NQ-CP, 35/NQ-CP, 70/NQ-CP…; hay tham mưu Chính phủ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…, cũng như trong thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược…
Chưa kể, còn là những đổi mới trong công tác quản lý đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, mạnh dạn từ bỏ những lợi ích và quyền lực trong công tác phân bổ vốn, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công…
Những thành tựu đạt được là đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, kết quả mới chỉ là bước đầu, khó khăn, thách thức còn nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, sáng tạo, đồng thời hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, phục vụ chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của đất nước.
Vậy Bộ trưởng kỳ vọng gì vào sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2018?
Năm 2018, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, khi mà kinh tế thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại, những khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng vẫn cần rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết. Chưa kể, trong dài hạn, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với thách thức tụt hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước; thách thức trong vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường; thách thức trong hội nhập quốc tế khi mà độ mở của nền kinh tế đã rất lớn; và đặc biệt là những thách thức do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại…
Thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội cũng không nhỏ. Đà tăng trưởng tích cực của năm 2017 sẽ tạo cơ hội để nền kinh tế tăng tốc trong năm 2018. Trước mắt, phải nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Phương châm hành động của Chính phủ năm nay gồm 10 chữ: Kỷ cương – Liêm chính – Hành động – Sáng tạo – Hiệu quả. 10 chữ này tuy rất khái quát, nhưng đã thể hiện được tư tưởng trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: lấy kỷ cương – liêm chính làm nền tảng, hành động nhanh, quyết liệt, tranh thủ thời cơ, cơ hội đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phấn đấu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Điều cần thiết, quan trọng và cốt lõi là phải giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiên định đường lối xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ mà Đảng đã đề ra. Chúng ta phải tận dụng thời gian, chắt chiu từng cơ hội, tự đổi mới, tự vươn lên, thì mới có khả năng vượt qua được thách thức này.
(Nguồn: baodautu.vn)